Nằm ở khu vực giáp biên giới và có cửa khẩu thông thương với Trung Quốc, những năm gần đây TP Móng Cái có sự đổi thay đáng kể trên tất cả c...
Nằm ở khu vực giáp biên giới và có cửa khẩu thông thương với Trung Quốc, những năm gần đây TP Móng Cái có sự đổi thay đáng kể trên tất cả các mặt. Trong đó, chợ Trung tâm Móng Cái đã trở thành nơi tập kết hàng hoá và mỗi ngày có hàng trăm tiểu thương ở các nơi đổ về lấy hàng. Tốc độ lưu thông hàng hoá ở đây hiện cũng đang được đánh giá là cao nhất khu vực miền Bắc.
Chợ Trung tâm Móng Cái thường sôi động từ 4-5h và kết thúc vào 13h, khi các chủ quầy kinh doanh người Trung Quốc quay về bên kia biên giới. Một trong những nguyên nhân khiến chợ luôn thu hút đông người mua hàng đó chính là sự phong phú về chủng loại hàng hoá và hợp lý về giá tiền. Ở “thiên đường mua sắm” này mặt hàng được ưa chuộng và chiếm số lượng lớn chủ yếu là quần áo, vải vóc và đồ điện tử. Dạo một vòng qua các tầng của chợ chúng tôi thấy ngoài những tiểu thương từ các nơi đổ về đây lấy hàng thì số lượng khách du lịch đến mua sắm cũng rất đông. Qua tìm hiểu được biết, khoảng 5 năm trước khách mua lẻ đến chợ Móng Cái tham quan là chính, vì người bán và nhân viên khá thờ ơ khi biết không phải khách mua buôn. Nếu có bán cũng “hét” giá cao hơn rất nhiều và đôi khi khách mua xong mới biết còn đắt hơn chợ nhà. Vài năm trở lại đây, các tiểu thương buôn bán ở chợ Trung tâm Móng Cái đã có sự thay đổi về quan niệm bán buôn, bán lẻ. Ngoài tích cực tiếp thị bán buôn họ đã chú trọng hơn đến khách mua lẻ. Bởi số lượng khách lẻ đến tham quan mua sắm ở chợ Trung tâm Móng Cái ngày một nhiều, mặc dù số lượng mua của một khách không nhiều nhưng phần lợi nhuận lại khá lớn nên nhân viên bán hàng giờ cũng rất nhiệt tình.
Tầng 1 và 2, nơi bày bán quần áo thu hút phần lớn khách mua hàng.
Quan sát những người mua buôn chúng tôi nhận thấy giữa chủ và khách có sự phối hợp khá ăn ý. Khách chọn hàng, hỏi giá, đọc số lượng, chủ hàng ghi “toa”. Việc mua bán diễn ra nhanh chóng vì đa phần là khách quen và khách mua buôn cũng không có nhiều thời gian để “lượn lờ” như khách mua lẻ. Để tìm hiểu việc bán lẻ hàng hoá ở đây chúng tôi đã thử vào một cửa hàng bán túi xách. Nhân viên bán hàng đon đả, giới thiệu chất lượng không thua gì hàng hãng. Chọn được một chiếc túi khá bắt mắt, người bán hàng bảo 600.000 đồng, tôi và người bạn đi cùng trả 300.000 đồng để họ không bán còn lấy cớ đi sang hàng khác. Không ngờ người bán hàng vồn vã nói: “Thấy hai em nhanh nhẹn, chị mới bán rẻ cho đấy nhé”. Biết mình mua bị đắt nhưng chúng tôi cũng đành ngậm ngùi trả tiền vì trót trả giá.
Hỏi chuyện những người dân bán hàng gần chợ, chúng tôi biết thêm rằng việc mua hàng được rẻ hay không là do “bản lĩnh” mặc cả của từng khách du lịch. Anh Hoàng Văn Tiến, du khách ở Hải Phòng cho biết: “Trước khi đi, bạn bè có nhờ mua hộ bếp lẩu từ. Tôi đi từ sáng đến giờ mua được 4 cái mà mỗi cái lại một giá khác nhau. Cái sau luôn rẻ hơn cái trước, cái cuối cùng chỉ mua có 160.000/ chiếc, chênh lệch với cái đầu tiên 120.000 đồng. Không biết về nhà nói giá cả với mọi người như thế nào nữa”. Cùng nhà nghỉ với chúng tôi có một đoàn khách ở TP Nam Định, sau một buổi sáng đi chợ đã thấy rất nhiều hàng được mua về và giữa họ đang có sự tranh luận rất sôi nổi về giá cả. Chảo nướng điện có cùng nhãn hiệu Happy Call, nhưng người mua 300.000 đồng/ chiếc, người khác trong đoàn lại mua 350.000 đồng/chiếc. Một bộ chăn ga gối cũng thế, khách thường mua ở nhiều hàng khác nhau nên giá không giống nhau. Sau cuộc tranh luận, người mua rẻ nhất lại được những người khác nhờ mua hộ. Như vậy, hầu hết khách du lịch từ tâm lý “đi cho biết” nhưng phần lớn vì giá rẻ nên đã “tay xách nách mang”, thấy lạ mắt là mua.
Sở dĩ chợ vùng biên luôn thu hút đông khách du lịch đến tham quan, mua sắm là do hàng hoá đa dạng và rẻ, giá cả thì bị thả nổi không ai quản lý. Và tất nhiên chất lượng thì vẫn phải “chờ” mang về nhà sử dụng mới kiểm tra được. Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý cần có sự kiểm tra chặt chẽ hơn nữa về nguồn gốc, chất lượng và giá cả để chợ Móng Cái ngày càng trở thành một điểm mua sắm hấp dẫn, và là một điểm nhấn trong hoạt động du lịch của địa phương.
Báo Quảng Ninh
GÓP Ý